Can thiệp thành công ca hẹp động mạch cảnh

Thứ năm - 22/12/2022 20:09
Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đã xử lý thành công ca bị hẹp động mạch cảnh có nguy cơ gây ảnh hưởng đến tính mạng. Ðây là ca bệnh đầu tiên được bệnh viện can thiệp.
Bệnh nhân HMT 65 tuổi, nhập viện vào ngày 5/12/2022 trong tình trạng chóng mặt, choáng váng và ngất. Sau khi tiếp nhận thông tin của bệnh nhân, các bác sĩ đã thăm khám và chỉ định các xét nghiệm như chụp CT não, siêu âm động mạch cảnh, kết quả cho thấy bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh bên trái rất nặng.

Bác sĩ Lê Tương Lai, Phó trưởng khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau, cho biết: “Với trường hợp này, nguy cơ bệnh nhân tắc mạch máu là rất cao, bệnh nhân dễ bị tai biến nhồi máu não và nguy cơ dẫn đến tử vong. Dựa vào kết quả thăm khám và dưới sự hỗ trợ của các bác sĩ của Bệnh viện Ðột quỵ tim mạch Cần Thơ, bệnh nhân được chỉ định nong bóng vùng hẹp và đặt stent khai thông dòng chảy động mạch cảnh”.

Theo Bác sĩ Lai, não của người có 2 nhánh động mạch cảnh ở phía trước và 2 động mạch đốt sống ở phía sau. Mỗi bên động mạch cảnh sẽ cho phối bán cầu não, khi bị tắc động mạch sẽ rất nguy hiểm. Thường bệnh nhân vào bệnh viện mà bị tắc động mạch cảnh bên trong thì lâm sàng rất nặng nề, gây tổn thương bán cầu não, dẫn đến nguy hiểm tính mạng. Khi được phát hiện ở mức độ hẹp nhẹ, can thiệp kịp thời mức độ thành công sẽ cao. Thời gian qua, Bệnh viện Ða khoa Cà Mau đã triển khai chụp chẩn đoán cho 12 ca liên quan đến hẹp động mạch cảnh, đến nay được sự chuyển giao kỹ thuật từ Bệnh viện Ðột quỵ tim mạch Cần Thơ nên đây là ca triển khai can thiệp thành công đầu tiên.

Bà Nguyễn Thị Mịnh, người nhà bệnh nhân, chia sẻ: “Ở nhà chồng tôi thường hay ngất, co giật, gia đình đưa đến bệnh viện. Tôi nghĩ ông ấy bị tai biến thì sẽ không qua khỏi, đến đây nhờ các bác sĩ tận tình cứu chữa, hiện tại chồng tôi đã qua cơn nguy kịch. Bác sĩ cho biết sẽ cho xuất viện trong vài ngày tới, tôi mừng quá”.

Phương pháp đặt stent động mạch cảnh sẽ giải quyết được tình trạng hẹp động mạch gây tắc mạch máu lên não, giảm nguy cơ đột quỵ, nhồi máu não. Trước đây, khi chưa triển khai kỹ thuật này, bệnh nhân hẹp động mạch cảnh phải chuyển lên tuyến trên hoặc can thiệp bằng phương pháp gây mê, phẫu thuật, dẫn đến thời gian hồi phục lâu.

Bác sĩ Lê Tương Lai cho biết thêm: “Ðể phát hiện sớm ca bệnh hẹp động mạch cảnh cần phải dựa vào lâm sàng của bệnh nhân, như bệnh nhân có cơn chóng mặt, cơn thiếu máu não thoáng qua, tê yếu nửa người... Khi đó chúng tôi sẽ tầm soát thông qua chụp CT não cộng với siêu âm động mạch cảnh, rồi tiến tới xác định ca bệnh và can thiệp. Vì vậy, người dân cần khám sức khoẻ định kỳ để phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hạn chế thấp nhất tình trạng tai biến có thể xảy ra”.

File đính kèm

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 4 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 4 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây