Tìm hiểu về bệnh lý bướu cổ

Thứ tư - 08/07/2020 22:19
Bướu cổ (goiter), theo cách gọi chung trong dân gian, là một nhóm gồm rất nhiều bệnh lý mà nguyên nhân chính là do tuyến giáp trạng lớn lên toàn bộ hay từng vùng.
Tuyến giáp trạng là một trong những tuyến nội tiết của cơ thể có nhiệm vụ chính là tiết ra nội tiết tố thyroxine. Chất này giữ nhiệm vụ điều hoà cho sự phát triển và hoạt động của mọi cơ quan của cơ thể.
Khi trẻ ở tuổi dậy thì, phụ nữ đang có thai hoặc cho con bú tuyến giáp có thể lớn nhẹ, tình trạng này gọi là phình giáp sinh lý. Có thể gặp ở 1 số bệnh nhân tuyến giáp to nhẹ mà nồng độ thyroxine trong máu bình thường thì gọi là phình giáp đơn thuần. Thường không cần điều trị hoặc chỉ uống thyroxine vài tháng là đủ để làm cho tuyến giáp co nhỏ về bình thường.
Trong bệnh suy giáp trạng, tuyến giáp không sản xuất ra đủ thyroxine cho cơ thể nên sẽ làm cho đứa bé chậm phát triển thể chất cũng như có thể gây đần độn nếu không được điều trị kịp thời. Đối với người lớn suy giáp trạng thường gặp ở những người đã phẫu thuật cắt tuyến giáp do Basedow hay ung thư tuyến giáp hoặc do điều trị bằng chất iode phóng xạ (131 I) trước đây.  Triệu chứng chính là bênh nhân cảm thấy mệt mõi thường xuyên, chậm chạp, da khô và có thể phù trước xương chày.
Ngược lại, nếu tuyến giáp hoạt động quá mức thì sẽ gây tình trạng cường giáp hay còn gọi là Basedow hay bệnh Graves, dân gian thường gọi là bướu tim. Thật ra thì cường giáp không liên quan tới tổn thương trên tim, tuy nhiên lượng nội tiết tố (thyroxine) do tuyến giáp sinh ra rất nhiều làm cho tim đập nhanh, có khi đến 140-160 lần trên phút (bình thường chỉ từ 60-80 nhịp/phút) vì vậy làm cho bệnh nhân hay mệt, đặc biệt khi làm việc nặng hay lên xuống cầu thang. Ngoài ra việc có quá nhiều thyroxine còn làm cho bệnh nhân cảm giác rất nóng trong người, đổ mồ hôi nhiều, run tay, mất ngủ, sụt cân dù ăn rất nhiều . . . Trong 1 số trường hợp  các cơ vận động nhãn cầu có thể bị phì đại làm cho mắt bệnh nhân nhìn như bị lồi ra.
Hai loại bệnh lý kể trên của tuyến giáp thường làm cho tuyến giáp lớn toàn bộ 2 thuỳ, đồng đều và chiếm toàn bộ vùng trước cổ. Việc chẩn đoán chính dựa trên việc đo nồng độ nội tiết tố cũng như hormone điều hoà các chất này trong máu (T3, T4 và TSH). Hai loại bệnh này thường điều trị không khó và không có liên quan đến bệnh  ung thư của tuyến giáp. Ung thư của tuyến giáp thường biểu hiện như một khối u đơn độc ở một bên  của tuyến giáp. Việc chẩn đoán một bướu giáp nhân cần phải thực hiện siêu âm để đánh giá nguy cơ và xét nghiệm tế bào học (FNA) .
Chọc hút bằng kim nhỏ dưới hướng dẫn siêu âm giúp chẩn đoán chính xác ung thư tuyến giáp.
Về điều trị, suy giáp thường phải uống bổ sung nội tiết tố tuyến giáp (thyroxine) suốt đời. Tuy có bất tiện nhưng thuốc này khá rẻ và ít tác dụng phụ. Phần lớn các bệnh nhân có thể chấp nhận uống lâu dài.

Bệnh lý cường giáp thì điều trị tương đối phức tạp hơn. Có thể chọn lựa giữa các phương pháp như uống thuốc kháng giáp từ 18-24 tháng, phẫu thuật cắt tuyến giáp hoặc điều trị bằng uống chất iode phóng xạ (131I). Mỗi cách có ưu khuyết điểm riêng, việc chọn lưa trị liệu nào là tuỳ thuộc vào mức độ và thời gian mang bệnh, tuổi tác, mong muốn có con nữa hay không cũng như sự thất bại của các điều trị trước đây. 
Không nên cắt, lể, đắp, giặt lên cổ dễ gây sẹo xấu và làm bệnh nặng hơn.



 

Nguồn tin: Ts. Tô Minh Nghị

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây