NHỮNG TIẾN BỘ TRONG ĐIỀU TRỊ NHẮM TRÚNG ĐÍCH UNG THƯ PHỔI

Chủ nhật - 28/03/2021 19:57
Ung thư phổi là bệnh lý ác tính của phổi, tế bào ung thư bắt nguồn từ các tế bào biểu mô cấu tạo nên cây phế quản, tiểu phế quản hoặc phế nang. Theo ghi nhận của Globocan năm 2018, toàn cầu đã có hơn 2 triệu trường hợp ung thư phổi mới phát hiện, hơn 1,7 triệu trường hợp tử vong. Ở nước ta mỗi năm có hơn 23.000 ca mới phát hiện và hơn 20.000 ca tử vong, khiến cho ung thư phổi trở thành bệnh ung thư thường gặp và có tỉ lệ tử vong cao đứng thứ hai (sau ung thư gan) . Khoảng 85%-90% các trường hợp ung thư phổi có liên quan đến tình trạng hút thuốc lá (chủ động hay thụ động). Có 2 loại ung thư phổi chính và chúng có phác đồ điều trị và tiên lượng rất khác nhau.
1.Đại cương ung thư phổi​​​​
​​1.1 Ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN)
Ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN)  chiếm khoảng 80 - 85% ung thư phổi , trong nhóm này có 2 nhóm chính là ung thư biểu mô tuyến và ung thư biểu mô vảy, ngoài ra còn có ung thư biểu mô tế bào lớn.
- Ung thư biểu mô tuyến
- Ung thư biểu mô tế bào vảy
- Ung thư biểu mô tế bào lớn
1.2 Ung thư phổi tế bào nhỏ (UTPTBN)
Ung thư phổi tế bào nhỏ (UTPTBN) chiếm khoảng 15- 20 % các trường hợp ung thư phổi.
Ngoài 2 loại ung thư chính ở trên còn có các khối u khác ít gặp hơn như: U carcinoid, ung thư biểu mô dạng tuyến nang, u lympho, sarcoma, các u lành tính và các ung thư di căn đến phổi (không gọi là ung thư phổi)
  1. image 20210329065912 1
1.3 Điều trị ung thư phổi
Tùy theo giai đoạn, loại tế bào, sinh học phân tử của khối u, thể trạng bệnh nhân, kinh tế gia đình mà có thể kết hợp một trong các phương pháp điều trị sau :
  • Phẫu trị
  • Xạ trị
  • Hóa trị
  • Điều trị nhắm trúng đích
  • Điều trị miễn dịch
2. Điều trị nhắm trúng đích
Một trong những đặc điểm cơ bản nhất của tế bào ung thư là sự xuất hiện các đột biến  gen chịu trách nhiệm sinh ung thư và phát triển khối ung thư (gọi là oncogenes).
Liệu pháp điều trị nhắm trúng đích là phương pháp tác động trực tiếp vào các gen đột biến hay protein chuyên biệt của nó (đích phân tử : Molecular-Targeted) được tìm thấy ở tế bào ung thư, có liên quan đến sự phát triển của khối ung thư. (Các oncogenes và những protein tạo ra bởi các oncogenes này).
3.Những tiến bộ trong điều trị nhắm trúng đích
Nhờ sự phát triển của khoa học kỹ thuật, ngày nay chúng ta có thể xác định được các đột biến gen giúp sử dụng thuốc điều trị nhắm trúng đích đặc hiệu. Các gen đột biến thường làm ung thư phát triển và di căn. Những loại thuốc nhắm trúng đích giúp khóa những gen đột biến, ngăn chặn sự phát triển và thu gọn khối bướu. Các đột biến thường gặp :
3.1 Đột biến EGFR
Đối với ung thư phổi, đột biến EGFR (Epidermal growth factor receptor - thụ thể của yếu tố tăng trưởng biểu bì) là đích nhắm điều trị đầu tiên và phổ biến nhất được FDA (Food and Drug Administration - cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ) chấp thuận . Đây là loại đột biến gen thường gặp nhất ở bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ , loại ung thư biểu mô tuyến (80.9%), đặc biệt là trên dân số Châu Á(50%), bệnh nhân nữ  (69.7%), không hút thuốc lá (66.6%) .(Theo khảo sát của Rosell và cộng sự).
Ở Việt Nam, theo các nghiên cứu : Có khoảng 40-50% bệnh nhân ung thư phổi mang đột biến gen EGFR. Trong các dạng đột biến EGFR thì 85% là đột biến ở vị trí Exon 19 và Exon 21.
Nhóm thuốc điều trị bệnh nhân có đột biến EGFR : Nhóm thuốc ức chế Tyrosine kinase (tyrosine kinase inhibitors - TKIs ) gồm 3 thế hệ
  • Thế hệ 1 bao gồm : ErlotinibGefitinib.  Cả hai thuốc có hiệu quả điều trị tương đương nhau, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng tỉ lệ đáp ứng bướu, kéo dài thời gian bệnh không tiến triển thêm 5-6 tháng so với hóa trị.(nghiên cứu IPASS cho gefitinib và nghiên cứu OPTIMAL, EURTAC cho erlotinib).
  • Thế hệ 2 bao gồm : Afatinib Dacomitinib. Afatinib, giúp kéo dài thời gian sống thêm không bệnh tiến triển 11.1 tháng so với hóa trị 6.9 tháng (nghiên cứu LUX-Lung 3). Được FDA chấp thuận điều trị bước 1 cho UTPKTBN di căn có đột biến EGFR từ năm 2013.
  • Thế hệ 3 : Osimertinib là TKIs thế hệ thứ 3 có khả năng ức chế hoạt động của đột biến gen EGFR một cách bền vững, không hồi phục. Đặc biệt, nó còn có thể ức chế đột biến gen T790M. Đột biến T790M là  đột biến gen gây kháng thuốc TKIs thế hệ 1 và 2,  nó xuất hiện ở khoảng 60% trường hợp người bệnh ung thư phổi không tế bào nhỏ điều trị thuốc nhắm trúng đích EGFR thế hệ 1 hoặc 2 sau khoảng thời gian 9.7-13 tháng. Osimertinib cho thấy hiệu quả vượt trội hơn TKIs thế hệ I(Erlotinib và Gefitinib) trong điều trị UTPKTBN di căn, có đột biến EGFR, giúp kéo dài thời gian sống thêm không bệnh tiến triển (PFS : 18,9 tháng so với 10,2 tháng)và thời gian sống còn toàn bộ (OS :38,6 tháng so với 31,8 tháng)(nghiên cứu pha III, FLAURA). Năm 2018 Osimertinib được FDA chấp thuận điều trị bước 1 cho UTPKTBN di căn có đột biến EGFR.
3.2 Đột biến ALK
Đột biến tái sắp xếp gen ALK (anaplastic lymphoma kinase) là đột biến phổ biến thứ hai xảy ra ở bệnh UTPKTBN biểu mô tuyến với tần suất 5%. Các thuốc điều trị nhắm đích ALK
  • Bước 1: Crizotinib.
  • Bước 2: Brigatinib, ceritinib, và alectinib.
3.3 Các đột biến khác
  • ROS1 chiếm khoảng 1-2%, thuốc điều trị là Ceritinib, Crizotinib
  • BRAF chiếm khoảng 1-3%, thuốc điều trị là Trametinib, Dabrafenib.
  • MET chiếm khoảng 2-4%, thuốc điều trị là Capmatinib, Crizotinib
  • RET chiếm khoảng 1%, thuốc điều trị là Selpercatinib, Cabozantinib, Vandetanib.
4. Điều trị miễn dịch
- Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi những tác nhân có hại như vi khuẩn và vi rút, vật lạ…Tuy nhiên hệ miễn dịch hoạt động quá mức sẽ tổn hại đến các cơ quan trong cơ thể. Các chốt kiểm soát miễn dịch (checkpoint inhibitors) đóng vai trò quan trọng giúp ức chế hoạt động của hệ miễn dịch, nhờ đó hệ miễn dịch không tấn công và làm tổn thương các cơ quan khỏe mạnh của cơ thể. PD-1 (Programmed death-1) là một trong những chốt kiểm soát miễn dịch, khi nó liên kết với thụ thể đặt hiệu (Ligand) thành PD-L1 sẽ khởi phát dòng thác tính hiệu ức chế hoạt động của hệ miễn dịch. Các tế bào ung thư lại sử dụng cơ chế này để đánh lừa hệ miễn dịch khiến hệ miễn dịch không thể tấn công chúng, nhờ đó tế bào ung thư phát triển và tăng trưởng
- Liệu pháp miễn dịch là dùng những thuốc ức chế chốt kiểm soát PD-L1 cho phép hệ miễn dịch nhận diện tế bào ung thư, tấn công và tiêu diệt tế bào ung thư hiệu quả.
- Mức độ biểu hiện của PD-L1 trên tế bào ung thư càng cao thì khả năng đạt đáp ứng với liệu pháp miễn dịch càng cao. Trong thực hành khi mức độ biểu hiện PD-L1 ≥50% là có chỉ định điều trị liệu pháp miễn dịch.
-Liệu pháp miễn dịch có thể được tiến hành kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác như hóa trị, xạ trị, điều trị nhắm trúng đích để tăng cường hơn nữa hiệu quả diệt tế bào ung thư.
- Các thuốc ức chế chốt kiểm soát miễn dịch đã được FDA chấp thuận trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ như : Pembrolizumab, Nivolumab, Ipilimumab, Atezolimumab, Durvalumab .
Bs CKI Châu Tấn Đạt - Trưởng khoa Ung Bướu- Bệnh viện ĐK Cà Mau

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 3 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 3 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây