TẦM SOÁT UNG THƯ VÚ
Bs.CKI Châu Tấn Đạt
2020-12-06T22:38:50-05:00
2020-12-06T22:38:50-05:00
https://bvdkcamau.vn/vi/news/Tin-tuc/tam-soat-ung-thu-vu-67.html
https://bvdkcamau.vn/uploads/news/2020_12/image-20201206102055-3.png
Bệnh viện đa khoa Cà Mau
https://bvdkcamau.vn/uploads/banner-bvcm.png
Thứ bảy - 05/12/2020 22:19
Ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất ở nữ giới. Hằng năm, trên thế giới có khoảng 2 triệu người được chẩn đoán mắc ung thư vú và khoảng người 600.000 người tử vong vì căn bệnh này. Theo thống kê của GLOBOCAN năm 2018, nước ta có 15.000 người mắc ung thư vú và ghi nhận hơn 6.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.
Ung thư biết sớm trị lành. Ung thư vú nếu được phát hiện sớm thì tỷ lệ chữa thành công rất cao. Vì vậy việc tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phát hiện càng sớm việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả điều trị càng cao, chi phí điều trị càng ít.
Số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, số ca mắc ung thư vú có xu hướng tăng dần hàng năm trên phạm vi toàn thế giới, nhưng số ca tử vong do ung thư vú hàng năm lại có xu hướng giảm đi. Kết quả này có được là nhờ những tiến bộ gần đây trong điều trị ung thư vú và nhờ việc tăng tỷ lệ ung thư vú được chẩn đoán sớm thông qua các chương trình tầm soát, phát hiện sớm đang được triển khai rộng rãi ở nhiều nước.
Tầm soát ung thư vú là gì?
Tầm soát ung thư vú là việc sử dụng các xét nghiệm sàng lọc để phát hiện các bất thường tại tuyến vú ở giai đoạn chưa có triệu chứng lâm sàng. Dựa trên những bất thường này, các bác sỹ sẽ tiến hành các biện pháp chẩn đoán phát hiện sớm bệnh ung thư vú. Mục tiêu của tầm soát ung thư vú là tăng tỷ lệ chẩn đoán sớm và giảm tử vong do ung thư vú.
Đối tượng nào cần tầm soát ung thư vú?
Tầm soát ung thư vú đã được chứng minh là làm giảm tỷ lệ tử vong 30% do ung thư vú, tuy nhiên nếu áp dụng đại trà sẽ gây không ít những bất lợi như: dương tính giả sẽ gây hoang mang, chẩn đoán quá mức, can thiệp không cần thiết, nhiễm xạ, hao tốn tiền của và công sức...
Hầu hết các hướng dẫn đều khuyến cáo tầm soát ở nhóm phụ nữ có nguy cơ trung bình và cao.
- Phụ nữ ≥40 tuổi phần lớn đều có nguy cơ trung bình (Gail Model) tức nguy cơ mắc ung thư vú cả cuộc đời ≥15%
- Phụ nữ có nguy cơ cao, tức nguy cơ mắc ung thư vú cả cuộc đời ≥20% bao gồm:
- Phụ nữ mang gen đột biến hay có quan hệ họ hàng bậc 1 với người mang gen đột biến: BRCA, TP53, PTEN.
- Tiền căn xạ trị vùng ngực 10-30 tuổi
- Phụ nữ được chẩn đoán carcionma tiểu thùy tại chổ hoặc tăng sản ống tuyến vú không điển hình.
- Phụ nữ có tiền căn ung thư vú.
Như vậy những phụ nữ < 40 tuổi không khuyến cáo tầm soát ung thư vú vì tỷ lệ ung thư vú thấp, mô tuyến vú dầy nên nhũ ảnh thu được chất lượng kém.
Các phương pháp tầm soát ung thư vú
- Tự khám vú (Breast Self Exam:BSE)
Các bước tự khám vú (BSE)
Bước 1: Đứng trước gương và cởi bỏ áo
Bước 2: Dùng tay để kiểm tra ngực
Nâng cánh tay phải lên trên đầu, và dùng tay trái để kiểm tra vú phải. Dùng lòng ngón tay và chuyển động tròn từ đầu vú cho tới nách sao cho hết phần vú để phát hiện:
- Có sự thay đổi nào ở viền ngực không?
- Có khối u nào trong ngực hay không?
- Vú có bị sưng hay không?
- Da vùng vú có lồi lõm bất thường không?
- Có sự thay đổi ở núm vú không?
Đổi tay trái lên trên đầu và dùng tay phải kiểm tra vú trái, tương tự như trên.
Bước 3: Giơ 2 tay lên đầu và quan sát trước gương
Nâng 2 cánh tay giơ lên đầu, và quan sát trước gương xem có các dấu hiệu bất thường như vừa nêu ở bước 2 hay không.
Bước 4: Đặt cánh tay đối diện ra sau cơ ngực và ấn lòng bàn tay xuống để phát hiện xem ngực có bất thường như lồi lõm, nhăn nheo, khác thường về hình dạng không.
Bước 5: Nằm xuống
Kê 1 chiếc gối hoặc chiếc khăn tắm ở vai, giơ tay phải lên trên đầu. Tiếp theo, dùng tay trái chuyển động tròn từ núm vú dần ra tới nách, sao cho không bỏ sót phần nào của vú. Làm ngược lại để kiểm tra vú còn lại và tìm kiếm xem có dấu hiệu nào bất thường không.Tiếp theo, dùng tay bóp núm vú xem có dịch, nước, hay máu chảy ra không.
Có hai thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên có nhóm chứng (RCT) về vai trò của tự khám vú: WHO/Russia (Semiglazov et al.), 1999 và Shanghai- China (Thomas et al.), 2002. Cả hai nghiên cứu cho thấy: Tự khám vú không làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú cũng như giai đoạn ung thư được phát hiện. Who (2012): Khuyến khích phụ nữ tự khám vú tại nhà nhằm giúp họ quan tâm đến sức khỏe của mình hơn và nhận thức về các bệnh lý tuyến vú.
- Khám lâm sàng tuyến vú ( Clinical Breast Exam:CBE):
Khám tuyến vú được thự hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, tốt nhất nên khám giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Bệnh nhân ngồi đối diện với bác sĩ:
- Tay bệnh nhân buông thõng hai bên: Quan sát sự đối xứng, đường cong của vú, phát hiện thụt núm vú, sẹo mổ và tổn thương ở da. Sờ bướu và hố thượng đòn.
- Tay bệnh nhân để trên đầu, hoặc chống hai bên hông: Nhìn tìm dấu co rút ở da và biến dạng vú do bướu.
- Thầy thuốc nâng tay bênh nhân: Sờ hạch nách hai bên.
- Bệnh nhân nằm ngữa, tay để trên đầu:
- Nhìn đường cong của vú, sẹo, tổn thương ở da hoặc co rút da.
- Sờ nhẹ núm vú để tìm tiết dịch.
- Sờ bướu ở vú, ghi nhận kích thước, mật độ, bờ , di động, vị trí và ghi nhận các khối u lân cận.
- Khám vú đối bên so sánh sự đối xứng giữa hai vú.
Không có chứng cứ (RCT) cho thấy khám lâm sàng tuyến vú làm giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú so với không khám. Tuy nhiên khám lâm sàng kết hợp với nhũ ảnh làm tăng độ nhạy phát hiện ung thư vú cũng như góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong. Who (2012): Khám lâm sàng tuyến vú giúp đánh giá nguy cơ ung thư vú nhằm đưa ra chiến lược tầm soát ung thư vú.
- Chụp nhũ ảnh (Mammography)
Tác giả bài viết: Bs.CKI Châu Tấn Đạt